Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển dựa trên ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Thứ ba - 11/02/2020 10:44
TCCS - Những quốc gia “giàu chí tiến thủ” bao giờ cũng có khát vọng mãnh liệt để huy động sức mạnh tổng hợp, dẫn dắt toàn dân tộc vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội, kiên định mục tiêu lựa chọn để hiện thực hóa khát vọng đó. Những “quốc gia thất bại” thường thiếu khát vọng vươn lên, không đủ năng lực hóa giải các thách thức, bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế, dựa trên ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đang trở thành yêu cầu quan trọng của quản trị phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển dựa trên ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
90 năm ra đời và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chiếm trọn niềm tin của nhân dân bởi sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình. Sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là nhân tố quyết định để hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, ngày 15-11-2017) _Nguồn_TTXVN



Mọi quốc gia - dân tộc muốn trở nên cường thịnh đều cần khát vọng mãnh liệt để tập hợp, đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tinh thần vượt qua mọi khó khăn, thử thách nhằm hiện thực hóa mục tiêu, con đường phát triển của mình. Với Việt Nam, trong suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, khát vọng xuyên suốt, nhất quán của dân tộc ta là độc lập, tự chủ, tự cường. Nhờ đó, Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng các kẻ thù xâm lược để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và phát triển đất nước. Truyền thống, khát vọng đó cần được nâng tầm, phát huy có hiệu quả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển, kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội, dựa trên ý chí tự chủ, tự cường  - ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, dẫn dắt toàn dân tộc

Để trở thành một quốc gia - dân tộc phát triển, cần rất nhiều yêu cầu, điều kiện, trong đó tầm nhìn, khát vọng vươn lên của bản thân quốc gia - dân tộc đó là một sức mạnh tinh thần to lớn. “Giấc mơ Đại Hàn”, khát vọng “đưa Xin-ga-po lên thế giới thứ nhất” hay khát vọng “thoát Á” đã đưa các quốc gia Hàn Quốc, Xin-ga-po, Nhật Bản đứng vào hàng ngũ các nước phát triển chỉ trong một thời gian ngắn dù xuất phát từ một nền tảng rất khiêm tốn. Còn “giấc mơ Mỹ” - giấc mơ quốc gia Mỹ là tổng hòa giấc mơ của các cá nhân hợp lại, đã dẫn dắt nước Mỹ phát triển hơn 200 năm liên tục kể từ khi giành được độc lập năm 1776 đến nay.

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trải qua các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ đã hun đúc lên khát vọng  phát triển, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Đây là điểm quy tụ, chất kết dính, tạo nên sự đoàn kết, sức mạnh to lớn giúp dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng các kẻ thù xâm lược thường lớn mạnh hơn gấp nhiều lần.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, tuyên bố kết thúc chế độ thuộc địa nửa phong kiến, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một lần nữa khẳng định khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam. Khát vọng đó đã tập hợp xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh đội ngũ nhân sĩ, trí thức, nhà cách mạng bản lĩnh, trí tuệ, cùng nhân dân cả nước hướng đến mục tiêu giải phóng dân tộc. Mùa Xuân năm 1975, sau 30 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Gần 45 năm sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; uy tín, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Đây là thời điểm Việt Nam cần nhìn lại con đường đã đi, hướng về phía trước, nhận thức rõ hơn và nêu cao khát vọng dân tộc vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời.

Khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường, giàu mạnh của Việt Nam là nhất quán và xuyên suốt, nhưng trong những bối cảnh, hoàn cảnh lịch sử khác khau, khát vọng đó có nội hàm và nội dung trọng tâm khác nhau. Ở những thời khắc đối mặt với họa mất nước, khát vọng độc lập, tự chủ đã tạo nên một sức mạnh tinh thần to lớn giúp dân tộc ta đánh bại các kẻ thù xâm lược. Trong bối cảnh hiện nay, khát vọng độc lập, tự chủ chính là tự cường để xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng, phát triển; đồng thời, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Ngày nay, độc lập và tự chủ chỉ thực sự có được và duy trì một cách bền vững trên cơ sở tự cường, do vậy, tự cường chính là nội dung trọng tâm của khát vọng dân tộc Việt Nam trong giai đoạn mới. Dân tộc Việt Nam tự cường có nghĩa là một dân tộc độc lập, tự chủ trước hết về kinh tế, ở mức độ cao hơn là đạt đến giàu có và thịnh vượng. Để đạt được điều đó, sự phát triển của đất nước phải dựa trên một thể chế được thiết kế phù hợp, bền vững, có khả năng giải phóng sức lao động và năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân, huy động được mọi nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh chung của cả dân tộc. Bên cạnh đó, phải xây dựng được một cấu trúc xã hội bền vững, đoàn kết và đồng thuận tự nguyện trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trong một thế giới biến đổi với gia tốc lớn, diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, tự cường còn thể hiện ở chỗ: trong bất cứ hoàn cảnh nào Việt Nam cũng phải kiên định, vững vàng với con đường đã chọn, ra sức nỗ lực nhằm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thách thức, nguy cơ và cơ hội, thời cơ cho hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển dựa trên ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay

Những thách thức từ bối cảnh thời đại

Quá trình toàn cầu hóa và tiến bộ khoa học  - công nghệ, cùng với đó là những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình khu vực và thế giới, đặt ra cho đất nước những vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, tác động trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu, chiến lược và khát vọng phát triển của Việt Nam, thể hiện trên mấy điểm sau đây:

Một là, khi tri thức và nền kinh tế tri thức ngày càng đóng vai trò chủ đạo cho phát triển, thì đổi mới sáng tạo là đòi hỏi căn bản. Tri thức, công nghệ là nguồn lực quan trọng nhất của các mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo trong thế kỷ XXI, còn vốn, lao động, tài nguyên ngày càng giảm sút vai trò. Điều này lại càng đúng trong bối cảnh toàn cầu hóa và các cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Các nền kinh tế dù ở trình độ thấp hay trình độ cao đều cần phải đạt tốc độ tăng trưởng thông qua đổi mới sáng tạo mà tri thức đóng vai trò hạt nhân. Là nước đi sau, đang phát triển, Việt Nam cần làm rõ những vấn đề mấu chốt trong quá trình sản xuất, tái tạo và “vốn hóa” tri thức.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đổi mới tương lai _Nguồn: baochinhphu.vn

Hai là, chúng ta sẽ phải đối mặt với thực tế rằng, tăng trưởng dựa trên xuất khẩu - phương thức thành công của nhiều quốc gia đang có diễn biến không thuận lợi. Toàn cầu hóa là bệ đỡ cho các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Trung Quốc cất cánh. Đặc điểm chung của các nền kinh tế này là tăng trưởng cao dựa trên xuất khẩu, đặc biệt là với Hàn Quốc, Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, trong thời điểm hiện nay mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu không còn thuận lợi như trước đây. Người lãnh đạo, quản lý phải ý thức được điều này để tìm ra những cách tiếp cận thích hợp cho dân tộc. Với Việt Nam, cách tiếp cận toàn cầu hóa sẽ phải chọn lọc hơn, có hàm lượng tri thức cao hơn, dựa nhiều hơn vào hợp tác song phương và khu vực.

Ba là, sự hình thành và ngày càng phát triển của không gian mạng - một “không gian sinh tồn” mới tồn tại song song với “không gian lãnh thổ” truyền thống - đang và sẽ làm thay đổi thế giới. Không gian mạng sẽ là nền tảng trên đó diễn ra ngày càng nhiều và phổ biến các tương tác của nhiều chủ thể trong xã hội “thực”. Con người có thể sẽ hoạt động trên không gian “ảo” này nhiều hơn trong không gian “thực”. Diễn biến gần đây cho thấy, những hạn chế, bất cập trong quản lý không gian mạng có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực ngoài tầm kiểm soát. Trong tương lai, không thể có lãnh đạo, quản lý hiệu quả xã hội “thực” nếu thiếu năng lực làm chủ, bảo vệ và quản lý không gian mạng.

Những thách thức, nguy cơ nội tại đối với vận mệnh của dân tộc

Nhìn từ phương diện phát triển nội tại, trong suốt lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, giai đoạn hiện nay tiềm ẩn những nguy cơ đưa tới những “vòng xoáy” của “lời nguyền địa lý” mà dân tộc không ít lần phải đối mặt. Trước hết, khá phổ biến trong lịch sử dân tộc là: Trước họa ngoại xâm, nhiều vương triều với những vị vua anh minh, đức độ đã tập hợp được quanh mình những con người ưu tú và cùng đội ngũ đó xây dựng được một thể chế thích hợp để huy động, tập hợp, phát huy mọi nguồn lực, tạo thành sức mạnh hợp trội và nổi bật, thể hiện và thực hiện thành công khát vọng độc lập, tự chủ của đất nước. Song, ở những giai đoạn sau đó, không ít vương triều vì tự mãn, lợi ích cục bộ,... đã đưa đất nước đến trì trệ, suy vong, thậm chí rơi vào ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài.

“Vòng xoáy” thứ hai chính là ở những thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Thế hệ lãnh đạo đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới, yêu cầu mới, đòi hỏi bản lĩnh, nền tảng kiến thức, trí tuệ, ý chí, nỗ lực lớn, thậm chí phải dấn thân, “hóa thân” vì sự nghiệp chung. Trong khi đó, trong bối cảnh hòa bình tập trung xây dựng, phát triển kinh tế lại có rất nhiều cám dỗ, nguy cơ suy thoái, dễ đẩy một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý xa rời các mục tiêu hướng tới hiện thực hóa khát vọng dân tộc.

Cơ hội, thời cơ đối với vận mệnh dân tộc, hướng tới khát vọng chung

Bối cảnh hiện nay khiến chúng ta cần phải ý thức sâu sắc về những bài học ở những “khúc quanh”, nhưng cũng mở ra những cơ hội, thời cơ có một không hai để hiện thực hóa khát vọng dân tộc của mình.

Thứ nhất, khi sự “bành trướng” của các tập đoàn đa quốc gia chậm lại, chúng ta có cơ hội phát triển các doanh nghiệp trong nước với cách tiếp cận mới đối với mô hình xuất khẩu. Lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia giảm sút khiến sự hiện diện của họ ở các nước đang phát triển giảm đi. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa phát triển, nhất là trong điều kiện Việt Nam bắt đầu xuất hiện một số doanh nghiệp “đầu đàn” có thương hiệu vừa đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, vừa vươn ra thị trường bên ngoài. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đất nước cần nắm bắt cơ hội này, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp trong nước nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa, đặc biệt là ở những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, những sản phẩm có giá trị gia tăng cao mang thương hiệu Việt, có khả năng kết nối doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này đòi hỏi mô hình phát triển ưu tiên xuất khẩu cần tập trung, dựa trên những lợi thế của doanh nghiệp và thị trường trong nước cũng như nhu cầu của thị trường thế giới.

Thứ hai, nền kinh tế dựa nhiều vào tri thức và tương tác trên không gian mạng đem lại cơ hội cho các nước mới nổi và đang phát triển tham gia vào các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ, ngày nay công nghệ đã cho phép các doanh nghiệp công nghệ thông tin (IT) Ấn Độ tham gia vào việc thiết lập cả một siêu thị cho tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Mỹ Oan-mát (Walmart) thay vì chỉ tham gia triển khai kỹ thuật phía sau. Khi trí tuệ là một “tài sản” có giá trị cao, thì sẽ là một cơ hội lịch sử để dân tộc ta bứt phá về kinh tế.

 

Viettel đang là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ 5G _Nguồn: Viettel cung cấp

Thứ ba, chúng ta đang đứng trước cơ hội tối thiểu hóa các chi phí trung gian, tối ưu hóa hiệu quả quản lý các khâu trung gian giữa sản xuất và phân phối. Một trong những điểm nghẽn của mô hình tăng trưởng Việt Nam là chi phí cho quản lý nhà nước tốn kém, nhưng hiệu quả chưa cao. Do vậy, sự ra đời của các nền tảng công nghệ mới là phương thức giúp Việt Nam giải quyết bài toán này.

Thứ tư, khát vọng tự cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử đã trở thành một truyền thống, giá trị thấm đẫm trong mỗi con người. Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, xu thế toàn cầu hóa và tiếp cận công nghệ kỹ thuật số, khát vọng tự cường dân tộc sẽ được ý thức một cách sâu sắc và mạnh mẽ hơn. Đây chính là sức mạnh tinh thần to lớn, là cơ hội để Việt Nam hóa giải những “vòng xoáy”, hiện thực hóa khát vọng tự cường dân tộc của mình.

Thứ năm, sự nghiệp hiện thực hóa khát vọng tự cường dân tộc được sự lãnh đạo của Đảng. Trong lịch sử 90 năm ra đời và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chiếm trọn niềm tin của nhân dân bởi sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình. Trong giai đoạn hiện nay, sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là cơ sở, nhân tố quyết định đến quá trình hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam.

Những vấn đề cần tập trung giải quyết nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển dựa trên ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Một là, phải làm rõ khát vọng tự cường của dân tộc, nêu cao, lan tỏa và thấm đẫm khát vọng đó trong tâm trí của mỗi người dân, mà trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Toàn cầu hóa và sự phát triển của nền kinh tế thế giới kéo theo những biến đổi của xã hội. Khái niệm “công dân toàn cầu” đưa lại một quan niệm mới về giá trị quốc gia, về chính trị, văn hóa và quản lý nhà nước... Sự phát triển của xã hội hiện đại cũng làm cho người lãnh đạo, quản lý khó khăn hơn trong việc nhận thức và kiên định những mục tiêu tập thể cần theo đuổi trước cám dỗ của lợi ích vật chất và sự lấn át của chủ nghĩa cá nhân. Hơn nữa, trong bối cảnh hòa bình, mối đe dọa đối với sự tồn vong của dân tộc dù không được biểu hiện rõ ràng, nhưng không vì thế mà nguy cơ đối với khát vọng độc lập, tự chủ lại giảm đi.

Do vậy, điều trước hết cần thực hiện trong lúc này là phải nêu cao, làm sâu sắc, lan tỏa khát vọng tự cường phát triển của dân tộc Việt Nam - một Việt Nam giàu mạnh, phát triển, hạnh phúc, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cần nêu rõ: Lúc này hoặc là dân tộc, đất nước tự cường phát triển, thành công hoặc là không bao giờ, bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển, lúng túng trong “bẫy thu nhập trung bình”, để rồi rơi vào trì trệ, suy thoái; phải nêu cao, làm sâu sắc và lan tỏa khát vọng tự cường dân tộc trong tâm trí mỗi người dân, đặc biệt là khát vọng dám dấn thân, dám hy sinh cho lợi ích chung của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Thách thức lớn nhất đối với chúng ta hiện nay chính là nhận diện và đối mặt với chính bản thân mình, là xác định được vị trí của mình và quyết tâm hành động hướng tới và hiện thực hóa khát vọng đó. Ở khía cạnh kinh tế, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 35 năm đổi mới, với tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng so với các nền kinh tế thành công của châu Á ở cùng giai đoạn của trình độ phát triển, thì vẫn còn khiêm tốn. Trong giai đoạn 1965 - 1995, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10% - 15%; Trung Quốc và Xin-ga-po cũng đều đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 9% - 10%/năm liên tục trong hơn 30 năm. Khi nhiều vấn đề của đất nước đều dựa trên nền tảng cơ sở kinh tế, Đảng cần xác định, nêu cao, lan tỏa được một khát vọng phát triển kinh tế xứng tầm.

Thách thức cần vượt qua nữa là mức độ sẵn sàng và thích ứng đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta vẫn còn ở mức thấp. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm các nước “non trẻ”: xếp hạng 72/100 quốc gia về cấu trúc kinh tế; 90/100 về đổi mới và công nghệ, trong đó 92/100 về nền tảng công nghệ và 77/100 về năng lực sáng tạo; 70/100 về nguồn nhân lực, trong đó 81/100 về lao động có chuyên môn, 70/100 về sự sẵn sàng của đội ngũ chuyên gia và kỹ sư, 75/100 về chất lượng giáo dục đại học và 80/100 về chất lượng đào tạo nghề. Đó là những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, việc nghiêm túc xác định khát vọng dân tộc và quyết tâm trong hành động trên bình diện quốc gia hướng tới hiện thực hóa khát vọng đó là một đòi hỏi bức thiết.

Hai là, Đảng phải xây dựng được một tập thể lãnh đạo có tâm, có tầm, sáng suốt, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung của đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện thành công khát vọng tự cường dân tộc, chúng ta cần có những nhà lãnh đạo xứng tầm, tâm huyết. Đảng cần xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ bản lĩnh, tri thức, trí tuệ, ý thức rõ về trách nhiệm, bổn phận, sẵn sàng dấn thân, xả thân vì khát vọng đó.

Ba là, Đảng cần xây dựng và vận hành được một thể chế phù hợp, tối ưu để giải phóng, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực của đất nước.


Thực tế lịch sử đã chỉ ra, ở những thời điểm lịch sử mà khát vọng dân tộc được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn thường gắn với hai đặc trưng nổi bật: 1- Dân tộc được dẫn dắt bởi một vị thủ lĩnh chính trị anh minh, sáng suốt, tập hợp được xung quanh mình một đội ngũ có trí tuệ, tâm huyết với sự nghiệp chung của dân tộc; 2- Người thủ lĩnh cùng tập thể lãnh đạo ấy còn xây dựng được một thể chế thích hợp để huy động được mọi nguồn lực hướng tới thực hiện mục tiêu khát vọng chung. Trong bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Việt Nam cần xây dựng được một thể chế phát triển phù hợp để hóa giải các thách thức, khai thác, phát huy tốt những cơ hội, hiện thực hóa mục tiêu. Thiết kế được thể chế phát triển phù hợp, tối ưu là vấn đề quan trọng đặt ra lúc này.

Cơ chế, rộng hơn là thể chế do chúng ta vận hành hiện nay có nhiều điểm chưa hợp lý, cần được tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Theo đó, cần xây dựng được một thể chế vừa tập trung, nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, vừa đòi hỏi tính sáng tạo và khả năng giải phóng tiềm năng của mỗi cá nhân, tổ chức hướng tới hiện thực hóa khát vọng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển./.

GS, TS. NGUYỄN ĐĂNG THÀNH - TS. ĐẬU HƯƠNG NAM
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay800
  • Tháng hiện tại81,647
  • Tổng lượt truy cập3,101,583
Văn bản mới

341-CV/ĐTN

Công văn số: 341 - V/v định hướng công tác tuyên truyền miệng tháng 12/2024

lượt xem: 56 | lượt tải:73

145-KH/ĐTN

Kế hoạch số: 145 - Kế hoạch tổ chức Chương trình “Xuân tình nguyện” chào đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

lượt xem: 443 | lượt tải:223

143-KH/ĐTN

Kế hoạch số: 143 - Tổ chức hoạt động “Ngày hội hiến máu tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” đợt 2 năm 2024 chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2030

lượt xem: 272 | lượt tải:168

142-KH/ĐTN

Kế hoạch số: 142 - Tổ chức Ngày hội trò chơi dân gian chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày thành lập Đoàn Khối cơ quan Dân Chính Đảng thành phố Cần Thơ (20/11/1987 – 20/11/2024)

lượt xem: 326 | lượt tải:315

324-CV/ĐTN

Công văn số: 324 - V/v triển khai thực hiện Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị

lượt xem: 102 | lượt tải:88
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây