Đổi mới chính trị nhưng không làm thay đổi chế độ chính trị

Thứ năm - 16/01/2020 14:35
TCCS - Hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta có nhiều đổi mới cả về kinh tế, xã hội và chính trị. Tại mỗi kỳ đại hội Đảng, báo cáo chính trị đều đề cập tới thành tựu cũng như phương hướng tiếp tục đổi mới chính trị. Điều này khiến cho một số người băn khoăn: “Liệu đổi mới chính trị có dẫn đến thay đổi chế độ chính trị?”. Bên cạnh những suy tư chân thành như vậy, một số kẻ xấu cũng nhân đây rêu rao “Việt Nam đang thay đổi chế độ chính trị, ngày càng xa rời chủ nghĩa xã hội!”. Trước những suy tư và ngộ nhận nói trên, sau đây bài viết góp phần khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đã và tiếp tục lãnh đạo đổi mới chính trị, nhưng không phải là thay đổi chế độ chính trị.
Đất nước đổi mới và phát triển nhanh chóng trong hơn 30 năm qua _Ảnh: Tư liệu
Đất nước đổi mới và phát triển nhanh chóng trong hơn 30 năm qua _Ảnh: Tư liệu

Việt Nam đã đổi mới chính trị

Để thấy được sự đổi mới chính trị ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua, có thể xem xét những biểu hiện của nó trên 3 phương diện: 1- Đổi mới tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam; 2- Đổi mới thể chế chính trị, cụ thể là đổi mới Hiến pháp và pháp luật; 3- Những biểu hiện dân chủ hóa trong đời sống chính trị thực tế. Trên tất cả các phương diện đó, có rất nhiều sự đổi mới, nhưng tựu trung là hướng đến một nền chính trị ngày càng dân chủ đầy đủ hơn.

 Thứ nhất, đổi mới tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng kết 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) khẳng định, trước hết, Đảng ta đã đổi mới tư duy chính trị, thể hiện ở việc nhận thức rõ hơn về tình hình thế giới, từ đó đổi mới chủ trương, đường lối đối ngoại và đổi mới tổ chức cũng như phương thức hoạt động của hệ thống chính trị.

Đúng là mọi sự đều phải bắt nguồn từ nhận thức. Ngay từ năm 1986, mặc dù đây là thời điểm hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu vẫn còn tồn tại, có sức mạnh cân bằng với phương Tây do Mỹ đứng đầu, song từ tình hình thế giới và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau năm 1975, Đảng ta đã bước đầu thấy rõ cần có sự thay đổi mạnh mẽ tư duy về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong đó bao hàm thay đổi nhận thức về chính trị quốc tế. Từ nhận thức đó, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động hướng đến bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tư duy này càng được củng cố với việc Việt Nam dần xóa bỏ thế bị bao vây cấm vận và thế bị cô lập trên trường quốc tế. Với đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đến nay Việt Nam đã là thành viên có uy tín của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, quan hệ thương mại với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một trong 12 thành viên đầu tiên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Song song với đổi mới tư duy về chính trị quốc tế, tư duy mới về chủ nghĩa xã hội, về dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong xây dựng đất nước,... ngày càng được củng cố, trở thành cốt lõi trong tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 và “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) là quá trình hoàn thiện nhận thức về chủ nghĩa xã hội thấm đậm tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều quan trọng là những tư duy mới này không phải chỉ là tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền, mà còn là nhận thức chung của cả xã hội, định hướng cho hoạt động của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và mỗi người dân.

Thứ hai, đổi mới thể chế chính trị.

Đổi mới tư duy chính trị với những nội dung cơ bản nêu trên được chuyển thành những thay đổi về mặt thể chế. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị  - xã hội đã được sửa đổi theo sự đổi mới của tư duy chính trị. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), Hiến pháp năm 2013 và hàng chục đạo luật khác đã thể chế hóa về mặt pháp lý tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo thành khuôn khổ thể chế cho đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Có thể thấy sự đổi mới của thể chế chính trị như sau:

Mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân: Điều 2 Hiến pháp năm 2013 ghi: “1-  Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2-  Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. 

Hiến pháp khẳng định, nhân dân thực hiện quyền dân chủ không chỉ thông qua Nhà nước, qua tổ chức đại diện khác, mà còn bằng hình thức trực tiếp. Luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân từ năm 1992 đến nay đều cho phép công dân có quyền tự ứng cử. Những văn bản quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về thủ tục hành chính, về bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, về chế độ trách nhiệm của người được bầu; những văn bản pháp luật bảo đảm quyền làm chủ của công dân, như: Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo (nay là Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo); Pháp lệnh Thanh tra (nay được nâng thành Luật Thanh tra), Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Xuất bản (sửa đổi), Pháp lệnh về phòng, chống tham nhũng (nay là Luật Phòng, chống tham nhũng), đặc biệt là Quy chế Dân chủ ở cơ sở (sau nâng thành Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn)..., tất cả đã minh chứng sự thay đổi mạnh mẽ trong thể chế chính trị Việt Nam theo hướng ngày càng dân chủ hơn.

Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Qua sự sàng lọc của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở Việt Nam. Với địa vị đó, đã có lúc Đảng bao biện, làm thay Nhà nước (như tự phê bình của Đảng). Từ năm 1991, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” đã khẳng định, Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhưng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Điều này được khẳng định lại tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013. Cùng với phát triển tư duy về nhà nước pháp quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tìm tòi để giải quyết tốt nhất mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, trong sự phát triển của đất nước không thể không có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời không thể không có sự lãnh đạo của Đảng. Đảng phải lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời tuân thủ quyền hạn của Nhà nước pháp quyền. Nghị quyết của Đảng không thay cho pháp luật; quyết định của Đảng không thay cho quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước. Đảng viên của Đảng phải thông qua bầu cử trực tiếp của cử tri hoặc bầu cử gián tiếp của đại biểu nhân dân mới trở thành người nắm giữ các chức vụ nhà nước và có quyền lực nhà nước.

Về mặt tổ chức, trong các cơ quan nhà nước đều có cấp ủy đảng là hạt nhân lãnh đạo, như đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy..., nhưng không vì thế mà các đảng viên giữ cương vị đứng đầu các cơ quan nhà nước khi vi phạm pháp luật có thể tránh khỏi bị xử lý nghiêm khắc cả về mặt đảng và chính quyền.

Mối quan hệ giữa nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với Đảng: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi quyết định của mình. Đây là những khẳng định rất mới, thể hiện mối quan hệ hai chiều giữa người lãnh đạo và người chịu sự lãnh đạo; giữa đại biểu cho một bộ phận và đại biểu cho toàn thể dân tộc.

Mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng thể hiện rõ hơn tinh thần dân chủ. Điều đó được thể hiện trong các quy định của pháp luật, của Điều lệ Đảng, cũng như trong các quy định của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, Đảng dựa vào Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời chịu sự giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức này. 

Thứ ba, những biểu hiện dân chủ hóa trong đời sống chính trị thực tế.

Với sự đổi mới tư duy chính trị và đổi mới thể chế chính trị, thực tiễn đời sống chính trị của đất nước trong hơn 3 thập niên qua đã khởi sắc theo hướng ngày càng dân chủ hơn, đúng như Đảng ta đã xác định từ Đại hội VII (năm 1991): Thực chất của đổi mới hệ thống chính trị chính là vấn đề dân chủ hóa.

Trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, có nhiều công dân ngoài Đảng tự ứng cử và không ít người đã trúng cử. Đã có nhiều hơn đại biểu cho khối doanh nhân tham gia cơ quan quyền lực nhà nước. Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp ngày càng thể hiện rõ hơn quyền lực của cơ quan đại biểu của nhân dân trong lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương. Bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương đang đổi mới theo hướng công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ đang phấn đấu không chỉ là người phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp, mà còn là người kiến tạo phát triển. Bộ máy tư pháp đã có những cải cách quan trọng, thể hiện rõ hơn vai trò bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, có trách nhiệm với sinh mệnh của người bị xử oan, sai.

Để ngày càng xứng đáng là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang, một mặt, tăng cường xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; mặt khác, quyết liệt đấu tranh với tham nhũng, lãng phí. Chưa khi nào công tác kiểm tra, kỷ luật đảng được tiến hành mạnh mẽ như hiện nay. Chỉ trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đến nay đã có gần 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và hàng nghìn người khác bị kỷ luật với những hình thức khác nhau. Hầu như tất cả số đó đều liên quan tới tham nhũng. Đáng chú ý là, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã được đông đảo nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng ủng hộ, hưởng ứng, và điều đó càng làm tăng thêm uy tín của Đảng.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với Đảng, Nhà nước trong những năm qua đã mạnh mẽ hơn. Vai trò của báo chí ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, trên khắp đất nước, bên cạnh các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội chính thống, đã có hàng trăm tổ chức tự nguyện của các tầng lớp, giai cấp có phạm vi hoạt động trong cả nước; hàng nghìn tổ chức hoạt động trong phạm vi địa phương được thành lập và có đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội của các vùng, miền.

Dân chủ hóa trên lĩnh vực kinh tế ngày càng rõ nét với sự lớn mạnh không ngừng của thành phần kinh tế tư nhân và môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Kinh tế tư nhân đã thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng của phát triển đất nước và tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

Tất cả những đổi thay đó là điều không thể phủ nhận, ngay cả đối với một số người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đã nhiều năm chống đối Đảng, Nhà nước ta. Ghi nhận sự đổi mới chính trị cả trong tư duy chính trị lẫn thể chế chính trị và đời sống chính trị thực tế, nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia đã thiết lập và phát triển quan hệ chính trị tốt đẹp với Việt Nam. Điều này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam khái quát tại Đại hội XII: Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Đổi mới chính trị ở Việt Nam đã và sẽ không làm thay đổi chế độ chính trị, mà làm cho chế độ chính trị ngày càng thể hiện rõ hơn sự tiến bộ và phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đất nước Việt Nam

Những đổi mới về chính trị như đã nêu ở trên có làm thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam hay không? Câu trả lời là “không!”. Đó là khẳng định và quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là nguyện vọng của đa số người dân Việt Nam.

Để thấy rõ căn cứ khoa học và thực tiễn của vấn đề này, trước hết, cần hiểu được các khái niệm “chế độ chính trị” và “chế độ chính trị của Việt Nam hiện nay”, và vì sao chế độ chính trị của Việt Nam hiện nay lại là sự lựa chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam và đại đa số nhân dân Việt Nam; thứ hai, chế độ chính trị của Việt Nam hiện nay có tương thích, phù hợp và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay không?

Về các khái niệm “chế độ chính trị” và “chế độ chính trị của Việt Nam hiện nay”.

Khái niệm “chế độ chính trị” đã xuất hiện từ lâu trong sách, báo chính trị, song thật khó tìm được một định nghĩa hoàn chỉnh về nó. Ngay cả C. Mác và Ph. Ăng-ghen cũng không đưa ra định nghĩa về khái niệm này. Cũng như C. Mác và Ph. Ăng-ghen, V.I.  Lê-nin rất ít khi sử dụng khái niệm “chế độ chính trị”. V.I.  Lê-nin cũng không đưa ra định nghĩa về nó. Do vậy, chỉ có thể thông qua văn cảnh của V.I.  Lê-nin mà nhận biết nội hàm của khái niệm này. Chẳng hạn, trong “Thư gửi Đại hội Đảng Cộng sản (b) Nga lần thứ XIII”, năm 1922, V.I.  Lê-nin viết: “Tôi rất muốn đề nghị Đại hội lần này quy định một số thay đổi trong chế độ chính trị của chúng ta”(1). Trong tác phẩm “Bàn về chế độ hợp tác xã”, V.I.  Lê-nin nói: “Người ta quên mất rằng, do đặc điểm của chế độ chính trị nước ta mà hợp tác xã ở nước ta có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Nếu không kể những tô nhượng... thì thường thường trong hoàn cảnh nước ta, chế độ hợp tác xã là hoàn toàn đồng nhất với chủ nghĩa xã hội”(2). Nói tới chế độ chính trị của nước Nga Xô-viết, V.I.  Lê-nin coi đó là sự tồn tại thực tế của chính quyền Xô-viết, là vai trò độc quyền lãnh đạo của một đảng cộng sản duy nhất ở Nga, hay nói rộng hơn, là sự độc quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân và liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân.

Tuy không định nghĩa “chế độ chính trị”, nhưng khi nói đến nó, các nhà kinh điển mác-xít muốn trả lời cho câu hỏi: Quyền lực nhà nước đang nằm trong tay giai cấp nào và cá nhân nào; nó được hình thành theo phương thức nào (chiếm đoạt hay bầu cử) và được thực hành theo nguyên tắc nào (độc đoán hay dân chủ)?

Theo nhà nghiên cứu khoa học chính trị người Anh An-đrây Hây-út (Andrew Haywood), các nhà nghiên cứu khoa học chính trị đều thừa nhận việc đề cập đến nội hàm khái niệm “chế độ chính trị” là khó thống nhất và cần phải dựa vào nhiều tiêu chí, trong đó có một số tiêu chí thường được đưa ra nhằm trả lời các câu hỏi sau: 1- Ai cai trị? Sự tham gia chính trị chỉ có nhóm tinh hoa, nhóm ưu tiên hay bao gồm toàn thể nhân dân? 2- Làm thế nào để đạt được sự hài lòng? Sự tuân thủ chính phủ dựa trên sự đe dọa, cưỡng bức hay là sự thỏa thuận? 3- Quyền lực của chính phủ là tập trung hay phân tán? Hình thức nào để kiểm tra và cân bằng quyền lực trong hệ thống chính trị? 4- Quyền lực chính phủ bị đòi hỏi và chuyển giao như thế nào? Đó là chế độ mở và cạnh tranh hay độc quyền? 5- Cái gì làm cân bằng giữa Nhà nước và cá nhân? Sự phân bổ quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ và công dân là thế nào? 6-  Sự phát triển mức sống vật chất thế nào? Sự phân phối của cải có bình đẳng không? 7-  Đời sống kinh tế được tổ chức ra sao? Kinh tế đi theo cơ chế thị trường hay cơ chế kế hoạch? Vai trò kinh tế của Nhà nước thế nào? 8- Làm thế nào để chế độ ổn định, tồn tại qua thời gian và có năng lực đáp ứng đòi hỏi và thách thức mới?

Cũng có cách phân chia chế độ chính trị theo hình thức nhà nước, như quân chủ tuyệt đối, quân chủ lập hiến, cộng hòa tổng thống, cộng hòa nghị viện, cộng hòa nửa tổng thống...

Ngoài ra, có thể phân chế độ chính trị theo thái độ ủng hộ hay không ủng hộ tự do dân sự. Theo đó, có thể phân thành chế độ vô chính phủ, chế độ thiểu quyền, chế độ toàn trị.

Trong thực tiễn đời sống chính trị - xã hội, các nhà nước thường xác định chế độ chính trị của mình qua quốc hiệu và hiến pháp (mặc dù trong thực tế, có thể không đạt được). Tùy theo mỗi nước, hiến pháp sẽ cụ thể hóa chế độ chính trị trong lời nói đầu, hay trong một số điều khoản nhất định, trong một chương, thậm chí trong nhiều chương, nhất là các chương về quyền hạn, nhiệm vụ của các thiết chế nhà nước cụ thể, như tổng thống, nghị viện, tòa án.... 

Hiến pháp nước Mỹ, từ văn bản đầu tiên (năm 1789) cho đến ngày nay với nhiều lần được bổ sung, không có chương nào quy định về chế độ chính trị, song qua toàn bộ các điều của Hiến pháp, người ta thấy được tinh thần cộng hòa và dân chủ mà nhà nước Mỹ và xã hội Mỹ sẽ đi theo.

Như vậy, từ khoa học chính trị, khoa học pháp lý và từ thực tiễn của các nước trên thế giới, có thể hiểu “chế độ chính trị” là khái niệm dùng để chỉ toàn bộ những nguyên tắc cơ bản điều chỉnh tổ chức và hoạt động của nhà nước, mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, giữa nhà nước và các tổ chức chính trị; điều chỉnh các quá trình chính trị cơ bản của đất nước, qua đó thể hiện bản chất giai cấp của quyền lực chính trị trong xã hội.

Nói về chế độ chính trị của Việt Nam, Hiến pháp Việt Nam năm 1946 có chương đầu là “Chính thể” (thể chế chính trị), trong đó chỉ nêu 3 điều ngắn gọn, khẳng định những điều cơ bản, tối quan trọng mà đất nước đã và sẽ phấn đấu hướng đến là Dân chủ, Cộng hòa và Thống nhất lãnh thổ.

Hiến pháp Việt Nam năm 1959 có tên chương I là “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, trong đó có 8 điều cụ thể hóa về chế độ chính trị. Tiếp theo, chương II có tên là “Chế độ kinh tế và xã hội”.

Các bản Hiến pháp Việt Nam năm 1980 và năm 1992 có tên chương I là “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Chế độ chính trị”, với nhiều điều quy định. Tiếp theo, chương II có tên là “Chế độ kinh tế”.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có tên chương I  là “Chế độ chính trị”, với 13 điều quy định một cách toàn diện, bao trùm, từ vấn đề độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đến các vấn đề về bản chất và nguyên tắc tổ chức nhà nước, vị trí, vai trò của nhân dân, của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam, nguyên tắc đối ngoại của Nhà nước Việt Nam, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân, trừng trị các hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước...

Đó là những điều khẳng định những thành quả mà cách mạng nước ta đạt được trong nhiều thập niên đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, nhất là qua hơn 3 thập niên tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Đó cũng là lý tưởng, mục đích mà cả dân tộc hướng tới và cần phát huy hơn nữa. Đó vừa là những nguyên tắc có tính chỉ đạo xuyên suốt việc tiếp tục xây dựng các quy định pháp luật cụ thể, vừa là những nguyên tắc điều chỉnh ngay các hoạt động thực tiễn của công dân, Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Do đó, Hiến pháp năm 2013 sau khi được hàng triệu lượt cá nhân, tổ chức góp ý và được Quốc hội thông qua, đã chứng minh cho sự thống nhất, đồng lòng với Đảng Cộng sản Việt Nam của đại đa số nhân dân ta.

Cũng giống chế độ chính trị của bất kỳ quốc gia nào, chế độ chính trị của Việt Nam hiện nay là sản phẩm của quá trình phát triển, hoàn thiện và sẽ tiếp tục được phát triển, hoàn thiện.

Phát triển, hoàn thiện chế độ chính trị ở Việt Nam không cản trở quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế của đất nước, mà càng làm cho đất nước độc lập, tự chủ, giàu mạnh, phồn vinh, người dân được tự do, hạnh phúc.

Chủ nghĩa Mác khẳng định, suy cho cùng, kinh tế quyết định chính trị. Theo quy luật tiến hóa của loài người, các chế độ chính trị sẽ ngày càng tiến bộ vì con người. Sự phát triển của thế giới ngày nay trên nền tảng của quan hệ kinh tế thị trường toàn cầu hóa với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến nhiều quốc gia phải đổi mới, không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị. Việt Nam đang trên đà tích cực, chủ động hội nhập quốc tế cũng sẽ tiếp tục đổi mới chính trị. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã nêu lên những phương hướng cơ bản của công cuộc xây dựng đất nước, mà theo nghĩa rộng của khái niệm, đều thể hiện sự phát triển và hoàn thiện đổi mới chính trị. Theo nghĩa hẹp, có thể coi 4 phương hướng sau (cũng do Đại hội XII của Đảng đề ra) đều liên quan trực tiếp tới đổi mới chính trị, đó là: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Trên mỗi phương hướng nêu lên, Đảng ta đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Có những giải pháp đã được thực hiện từ nhiều năm trước; có những giải pháp mới hơn hoặc mạnh mẽ hơn, được cụ thể hóa bằng những nghị quyết hội nghị Trung ương trong thời gian gần đây và trở thành hành động thực tế. Có thể nói, việc Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua là mạnh mẽ chưa từng có, có ý nghĩa không chỉ làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, mà còn làm tăng sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân đối với Đảng. Cũng như vậy, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số để phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân, kiến tạo phát triển vừa tạo được sự ủng hộ của người dân và cộng đồng quốc tế đối với Nhà nước Việt Nam, vừa thực sự thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

--------------------

Cộng đồng quốc tế đã thừa nhận sự đổi mới và phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong hơn 30 năm qua gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việt Nam đã bước vào ngưỡng phát triển trung bình của thế giới, có nhiều thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo, tạo lập sự công bằng, không để ai bị gạt ra bên lề của sự phát triển, cũng như trong thực hiện bình đẳng giới... Cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ một Việt Nam ổn định về chính trị, phấn đấu vì sự giàu mạnh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân.

-------------------

Chính trị là lĩnh vực nhạy cảm, không chỉ liên quan tới việc quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị nằm trong tay ai, mà còn liên quan trực tiếp tới tự do, hạnh phúc của mỗi người dân, vận mệnh của cả đất nước, dân tộc. Đổi mới chính trị vừa là yêu cầu từ cuộc sống, vừa là nhu cầu từ chính bản chất của Đảng, Nhà nước ta. Bởi vậy, đổi mới chính trị đòi hỏi phải giữ vững những nguyên tắc làm thành chế độ chính trị, đồng thời phải có sự khéo léo của đội ngũ những người lãnh đạo. Đó là những thách thức lớn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam chân chính./.

----------------------------------

 (1), (2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 45, tr. 393, 427

PGS, TS. VŨ HOÀNG CÔNG,
Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,818
  • Tháng hiện tại93,981
  • Tổng lượt truy cập2,985,089
Văn bản mới

341-CV/ĐTN

Công văn số: 341 - V/v định hướng công tác tuyên truyền miệng tháng 12/2024

lượt xem: 31 | lượt tải:41

145-KH/ĐTN

Kế hoạch số: 145 - Kế hoạch tổ chức Chương trình “Xuân tình nguyện” chào đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

lượt xem: 222 | lượt tải:127

143-KH/ĐTN

Kế hoạch số: 143 - Tổ chức hoạt động “Ngày hội hiến máu tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” đợt 2 năm 2024 chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2030

lượt xem: 240 | lượt tải:160

142-KH/ĐTN

Kế hoạch số: 142 - Tổ chức Ngày hội trò chơi dân gian chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày thành lập Đoàn Khối cơ quan Dân Chính Đảng thành phố Cần Thơ (20/11/1987 – 20/11/2024)

lượt xem: 301 | lượt tải:302

324-CV/ĐTN

Công văn số: 324 - V/v triển khai thực hiện Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị

lượt xem: 72 | lượt tải:73
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây