Trường Sa, tháng 4 lịch sử 1975 - Kỳ 2: Hai liệt sĩ đầu tiên ở Trường Sa

Thứ năm - 23/04/2020 16:12
TTO - 'Để treo được ngọn cờ cách mạng lên Trường Sa, chúng ta đã hi sinh hai người. Một người hi sinh ngay tại đảo Song Tử Tây. Một người bị thương, theo tàu về đất liền và hi sinh'.
Anh Ngô Văn Quyền (bên phải) chụp cùng bạn thân Nguyễn Đắc Lưu khi còn huấn luyện ở Quảng Ninh - Ảnh: My Lăng chụp lại
Anh Ngô Văn Quyền (bên phải) chụp cùng bạn thân Nguyễn Đắc Lưu khi còn huấn luyện ở Quảng Ninh - Ảnh: My Lăng chụp lại

Cựu chiến binh Đào Mạnh Hồng, chứng nhân ở Trường Sa tháng 4 lịch sử năm 1975, ngậm ngùi kể lại.

Đó là liệt sĩ Tống Văn Quang và Ngô Văn Quyền.


Không một bức ảnh để thờ

45 năm trước, khi đi Trường Sa, ông Phan Xuân Ạp là trợ lý tham mưu tiểu đoàn đặc công 471 của Quân khu 5. "Khi đánh đảo, lực lượng hỏa lực DKZ của chúng tôi đi cùng để hỗ trợ cho ba mũi đặc công của hải quân. Quang trong mũi đổ bộ đầu tiên. Cậu ấy là khẩu đội trưởng DKZ", ông Ạp cho hay.

Cuộc chiến kéo dài 30 phút rất ác liệt, hạ sĩ Tống Văn Quang hi sinh năm anh mới 22 tuổi.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quế kể giây phút tiễn biệt người đồng đội mới biết tên sáng 14-4-1975: "Lúc đó gần sáng rõ rồi. Anh em tổ chức chôn cất cậu ấy ngay Song Tử Tây, định sau này đưa về. Đồng đội lấy tăng võng bọc lại rồi đào huyệt cát chôn chứ lúc đó không có quan tài đâu. Anh em trên đảo nổ súng chia buồn, tiễn biệt đồng đội".

Chúng tôi tìm trong bản trích lục thông tin về quân nhân hi sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh của Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) và hiện ra những dòng thông tin về liệt sĩ đầu tiên ở Trường Sa: liệt sĩ Tống Văn Quang sinh năm 1949 (tuổi thật là sinh năm 1953 - PV) tại xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái. Nhập ngũ tháng 5-1972. Ngày đi B: tháng 8-1972. Đơn vị: C12, D6, E38, F2 (Quân khu 5). Cấp bậc: hạ sĩ. Ngày hi sinh 14-4-1975, trong trường hợp: chiến đấu. Nơi hi sinh: đảo Song Tử Tây.

Mong muốn tìm hiểu về người liệt sĩ ấy, chúng tôi tìm về quê hương anh. Bắc Thái là tỉnh cũ. Xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ giờ thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Hai cụ thân sinh liệt sĩ Quang đã mất từ lâu. Ông Tống Văn Ngọc, 73 tuổi, anh trai liệt sĩ Quang, cho biết anh Quang là con thứ năm. 

"Chú Quang đẻ được ba ngày thì bố mất. Nhà tôi có hai người đi bộ đội. Tôi đi chiến trường B3 tháng 4-1966. Tôi vừa về thì chú Quang đi", ông Ngọc nói.

Người chị dâu của liệt sĩ Quang xúc động kể: "Tôi và mẹ chồng đồ xôi gánh đến đơn vị tiễn chú Quang thì nghe nói đơn vị đã hành quân đến ga Đồng Quang trú chân. Hai mẹ con lại tất tưởi chạy đến nhưng cũng không kịp. 

Chú Quang đi bộ đội từ năm 1972 rồi đi một mạch. Từ lúc nhập ngũ cho đến khi đi chiến đấu không có tin tức, thư từ gì. Đến khi chú ấy hi sinh gia đình nhận giấy báo tử mới biết...".

Trường Sa, tháng 4 lịch sử 1975 - Kỳ 2: Hai liệt sĩ đầu tiên ở Trường Sa - Ảnh 2.

Liệt sĩ Tống Văn Quang đã được chuyển mộ về đất liền năm 1985 - Ảnh: My Lăng

Tuổi 20 hi sinh ở Trường Sa

Người thứ hai hi sinh ở Trường Sa tháng 4-1975 là hạ sĩ Ngô Văn Quyền, 20 tuổi, chiến sĩ đặc công của trung đoàn đặc công hải quân 126.

Mấy chục năm nay, ông Đào Mạnh Hồng (69 tuổi, hiện sống ở TP Hải Phòng) không dám tìm gặp thân nhân liệt sĩ Quyền. 

"Khi đưa con người ta từ Bắc vào Nam chiến đấu thì mình đưa đi, nhưng khi con người ta hi sinh thì mình không biết. Đến chỗ chôn ở đâu mình cũng không biết. Về gặp gia đình cậu ấy, tôi biết ăn nói thế nào...", người cựu binh thở dài.

45 năm trước, đánh đảo Song Tử Tây, ông Đào Mạnh Hồng là phân đội trưởng phân đội 1 (đại đội 1 - trung đoàn đặc công hải quân 126) và thân thiết nhất với hạ sĩ Quyền. Chiến trận Song Tử Tây kéo dài 30 phút nhưng 15 phút đầu rất ác liệt. 

"Quyền trong tổ chiến đấu đầu tiên cùng tôi. Cậu ấy là người che đạn cho tôi. Đáng lẽ viên đạn đó găm vào tôi... Tôi đang lao về phía trước thì Quyền đi sau phát hiện đối phương trong giao thông hào giơ súng nhô ra, cậu ấy lao lên đỡ đạn cho tôi...", người cựu chiến binh rớm nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc không thể quên ấy.

Tiểu đội trưởng Ngô Văn Quyền bị một viên đạn găm vào bụng vẫn cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. "Mấy phút sau quay lại, tôi hỏi thì Quyền bảo em không sao. Thấy Quyền bị thương, tôi để cậu ấy nằm nghỉ, còn mọi người thu dọn chiến trường", ông Hồng kể tiếp.

45 năm đã trôi qua, người cựu chiến binh giải phóng đảo nhớ mãi đêm trước khi chia tay người em, người đồng đội thân thiết về đất liền. 

"Tôi và Quyền trải võng ra trong hầm vòm, nằm cạnh nhau tâm sự. Quyền nói sau này chiến tranh kết thúc, anh em mình giao lưu thường xuyên chứ các đồng đội kia ở xa quá chắc ít gặp. Tôi bảo đời quân ngũ mình chỉ có một thời điểm nhất định thôi. Sau này trên quãng đường còn lại, anh em mình thế nào cũng gặp nhau", ông Hồng kể.

Ngày hôm sau, hạ sĩ Quyền theo tàu chở hàng binh về Đà Nẵng. Lúc này anh đau đến nỗi không đi được. Ông Hồng phải bế ra xuồng để đưa lên tàu. 

"Lúc đó tôi ôm Quyền khóc - ông Hồng xúc động nhớ lại giây phút chia tay mà không ngờ là lần gặp nhau cuối cùng. Tôi bảo em cứ an tâm điều trị, anh em mình sẽ gặp lại nhau khi cùng tiến vào Sài Gòn. Nó còn cười bảo: các anh cứ yên tâm ở lại. Em khỏe là theo đơn vị chiến đấu ngay".

Một tháng sau khi về Sài Gòn, ông Hồng mới biết hạ sĩ Ngô Văn Quyền đã hi sinh. "Không ai nghĩ Quyền sẽ hi sinh. Nhưng nó lại hi sinh...", người cựu binh bần thần nói.

"Chúng tôi nghe đồng đội anh Quyền kể chỉ còn 35 hải lý nữa vào đến Đà Nẵng thì tàu bị chết máy. Nếu suôn sẻ thì ba ngày về đến đất liền, nhưng tàu chết máy mất sáu ngày mới vào đến bờ. 

Dọc đường anh tôi cứ gọi tên bố mẹ, các em, rồi anh hát những bài hát quê hương Hải Phòng. Trên đường chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng, máu chảy nhiều quá, anh hi sinh khi chưa kịp vào bệnh viện...", ông Ngô Văn Đại, em trai liệt sĩ Quyền, xúc động kể.

Bà Ngô Thị Huế, 62 tuổi, em gái liệt sĩ Quyền, rưng rưng hồi tưởng người anh đã khuất: "Anh Quyền hiền lành, học giỏi lắm. Từ lớp 1 đến lớp 7 năm nào cũng đứng đầu lớp. Anh đi học về là ra đồng chăn trâu, 13 - 14h mới về. 

Nhà chỉ có bát cơm nguội phần anh. Sau này anh đi làm thuê trên Lào Cai, mỗi lần về là tắm rửa cho các em. Làm thuê mấy năm, có lệnh nhập ngũ là anh đi". Và rồi anh Quyền của bà đã đi mãi không về...

 

Người thân cho biết trước khi vào Nam chiến đấu, anh Quyền kết nghĩa với người bạn tên Lưu ở Đồ Sơn. Hai người trồng hai cây chuối đầu hồi nhà.

"Anh Quyền dặn bố cứ nhìn hai cây chuối này khi nó lớn xanh tươi thì bố yên trí chúng con còn sống. Cây nào chết là có đứa bị không may. Sau có một cây chuối cứ héo dần rồi chết... Không ngờ là anh ấy", bà Huế lau nước mắt, xúc động nhớ lại.


Các cựu chiến binh giương ngọn cờ cách mạng ở Trường Sa tháng 4 lịch sử 1975 kể ngay sáng hôm sau đã xuất hiện hai tàu gỗ mon men vào sát đảo thăm dò. "Nó không treo cờ nhưng mình xác định dứt khoát là tàu Trung Quốc rồi" sau cuộc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Và các chiến sĩ sẵn sàng tiếp tục chiến đấu để bảo vệ đảo.

MY LĂNG
Nguồn: https://tuoitre.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay935
  • Tháng hiện tại48,699
  • Tổng lượt truy cập2,805,762
Văn bản mới

143-KH/ĐTN

Kế hoạch số: 143 - Tổ chức hoạt động “Ngày hội hiến máu tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” đợt 2 năm 2024 chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2030

lượt xem: 169 | lượt tải:122

142-KH/ĐTN

Kế hoạch số: 142 - Tổ chức Ngày hội trò chơi dân gian chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày thành lập Đoàn Khối cơ quan Dân Chính Đảng thành phố Cần Thơ (20/11/1987 – 20/11/2024)

lượt xem: 219 | lượt tải:228

324-CV/ĐTN

Công văn số: 324 - V/v triển khai thực hiện Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị

lượt xem: 32 | lượt tải:35

317-CV/ĐTN

Công văn số: 317 - V/v triển khai Hướng dẫn một số nội dung về nghiệp vụ công tác đoàn viên

lượt xem: 52 | lượt tải:61

318-CV/ĐTN

Công văn số: 318 - V/v triển khai Hướng dẫn phương thức thu, nộp, quản lý và sử dụng đoàn phí giai đoạn 2024 - 2027

lượt xem: 74 | lượt tải:60
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây