Bài học lịch sử về đại đoàn kết toàn dân tộc từ đại thắng mùa xuân năm 1975

Thứ ba - 28/04/2020 17:02
(TG) - Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc Việt Nam là kết quả của nhiều nhân tố, trong đó, nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất là sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
(Ảnh minh họa: VOV)
(Ảnh minh họa: VOV)

DÂN TỘC VIỆT NAM CHỐNG LẠI ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC VÀ BÈ LŨ TAY SAI

Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Theo đó, độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương được công nhận. Quân Pháp phải rút về nước. Đối với Việt Nam, khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17 được xác định là giới tuyến tạm thời cho đến cuộc tổng tuyển cử trên cả nước sẽ tiến hành vào năm 1956. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ đã hất cẳng thực dân Pháp, lập nên chế độ độc tài phát xít, gia đình trị Ngô Đình Diệm, thực hiện chế độ thực dân mới, phản bội lại nguyện vọng cháy bỏng của dân tộc ta là hòa bình, thống nhất, dân sinh, dân chủ. Kẻ thù ra sức xóa bỏ thành quả cách mạng Tháng Tám, thành quả kháng chiến chống thực dân Pháp và dùng mọi thủ đoạn hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng ta; thực hiện chính sách khủng bố những người yêu nước, kích động hận thù, chia  rẽ dân tộc, tôn giáo...

Từ năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và chư hầu vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam; đồng thời, thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân hòng khuất phục dân tộc Việt Nam bằng bạo lực phản cách mạng.

Đế quốc Mỹ và tay sai đã liên tiếp thực hàng loạt các chiến lược chiến tranh: “Chiến tranh một phía” (1954-1960), “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973), kể cả tập kích chiến lược mang tính hủy diệt bằng B52 đối với miền Bắc và Thủ đô Hà Nội năm 1972.

Mỹ đã chi vào cuộc chiến tranh Việt Nam 676 tỷ USD, huy động lúc cao nhất gần 55 vạn quân viễn chinh, nhiều chuyên gia, cố vấn quân sự và 7 vạn quân chư hầu trực tiếp tham chiến và làm nòng cốt cho khoảng 1 triệu quân của quân đội Sài Gòn; sử dụng 7,8 triệu tấn bom đạn - nhiều hơn lượng bom đạn được sử dụng trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trước đó(1).

Sau khi thất bại trong các chiến lược chiến tranh và thua đau trên bầu trời Hà Nội, buộc phải ký Hiệp định Paris năm 1973 và rút khỏi miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, hòng biến miền Nam thành một “quốc gia” thân Mỹ mà thực chất vẫn là thuộc địa kiểu mới của Mỹ(2).

Có quan điểm cho rằng, đế quốc Mỹ đã dùng sức mạnh vật chất, vũ khí bạo lực, đôla để hòng khuất phục dân tộc Việt Nam. Thực ra, họ đã dùng tất cả mọi thứ chứ không chỉ dùng sức mạnh vật chất, bạo lực. Từ việc dựng lên bộ máy chính trị, quân đội tay sai; sử dụng vũ khí, bom, đạn hiện đại, “thông minh” và vũ khí hóa học hủy diệt đến mua chuộc bằng tiền bạc, quyền lực; thực hiện chiến tranh tâm lý, tuyên truyền áp đặt giá trị Mỹ, lối sống Mỹ như chủ nghĩa cá nhân, thực dụng; xuyên tạc, đổi trắng thay đen, chia cắt đất nước, ly tán lòng người, kích động, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, đến những hành vi bắt bớ, giết chóc, tra tấn, hành hạ dã man, tàn bạo đối với những người dân vô tội, yêu nước...

Đối diện với cuộc chiến tranh xâm lược, phản động, phi nghĩa ấy, dân tộc Việt Nam thiết tha yêu chuộng hòa bình, trọng lẽ phải không còn lựa chọn nào khác, buộc phải cầm súng, buộc phải sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của Mỹ - Ngụy, chống lại bè lũ cướp nước và bán nước để giành lại hòa bình, tự do, độc lập và thống nhất Tổ quốc. Như vậy, đây không phải là cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn” như có người từng lầm tưởng hoặc cố tình xuyên tạc. Đây là cuộc chiến của tất cả những người Việt Nam yêu nước chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai.

Trong trường kỳ kháng chiến và trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, cả dân tộc Việt Nam đã huy động cao nhất tất cả tinh thần và lực lượng của mình để quyết chiến, quyết thắng; và cũng vì vậy, cuộc chiến đấu tất thắng ấy luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý và lẽ phải trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ.

ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ NGỌN CỜ, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ XUYÊN SUỐT, NHẤT QUÁN CÓ TÍNH CHẤT SỐNG CÒN

Kiên định thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong điều kiện lịch sử mới, Hội nghị lần thứ 15 (tháng 1-1959) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II và sau đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) đã xác định đường lối cách mạng cả nước là: “tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh...”(3). Đường lối này đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng cháy bỏng của đồng bào cả nước nên có khả năng phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của dân tộc dẫn đến thắng lợi tất yếu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Thứ nhất, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân là khát vọng chân chính, thiêng liêng từ ngàn đời của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, khát vọng ấy chỉ có thể thực hiện được trong thời đại ngày nay thông qua con đường cách mạng vô sản. Nghĩa là giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng và phát triển con người toàn diện. Độc lập dân tộc là điều kiện để đi tới chủ nghĩa xã hội, và chủ nghĩa xã hội là bảo đảm chắc chắn để có độc lập dân tộc thật sự và vững bền.

Thứ hai, sự phù hợp, đúng đắn của mục tiêu, ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã được kiểm chứng không chỉ bằng thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn bằng sự lớn mạnh của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Từ sau năm 1954, bằng việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu, lý tưởng mà đã là thực tế với vị trí và sức mạnh quyết định nhất đối với cách mạng cả nước(4). Theo đó, sức mạnh ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa(5) trở thành yếu tố căn bản góp phần tạo nên sức mạnh vô song của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ ba, chủ trương tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc nhằm mục tiêu chung: chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc đi lên chủ nghĩa xã hội là sự sáng tạo độc đáo của Đảng, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội tiếp tục là sợi chỉ đỏ, là điểm tựa cho niềm tin và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai. Đồng bào hai miền Nam - Bắc chiến đấu hy sinh không chỉ để quyết giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc mà còn để đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm ấm no, tự do, hạnh phúc cho đông đảo nhân dân.

Chính sự gắn kết chặt chẽ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội tạo ra khả năng huy động đến mức cao nhất mọi tiềm năng, nguồn lực, sức mạnh của dân tộc và sức mạnh thời đại để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

SỨC MẠNH TỔNG HỢP CỦA KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC ĐỘNG LỰC CHỦ YẾU LÀM NÊN ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975

Triển khai thực hiện nhiệm chiến lược cách mạng ở hai miền theo mục tiêu chung của cách mạng cả nước, Đảng ta đã chủ trương tập hợp quần chúng rộng rãi bằng các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất phù hợp với tình hình cụ thể. Ngày 10-9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời; ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập; và sau đó, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam được thành lập vào ngày 20-4-1968. Tuy mục tiêu, cương lĩnh, thành phần, cơ cấu tổ chức có nhiều điểm khác nhau nhưng hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, dân sinh là mẫu số chung để quy tụ, tập hợp, đoàn kết toàn dân thành một khối thống nhất theo tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.

Trên cơ sở các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng tổ chức xây dựng, thực hiện thế trận chiến tranh nhân dân trường kỳ, toàn diện bằng sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân; kết hợp giữa quân sự, chính trị và ngoại giao, vừa khởi nghĩa vũ trang vừa tiến công quân sự; vừa kháng chiến vừa kiến quốc; vừa đánh giặc vừa từng bước xây dựng chế độ mới(6). Thế trận đó được hình thành ở khắp nơi, trên cả ba vùng chiến lược, thậm chí cả ở sâu trong lòng địch, tạo ra sự liên hoàn trên khắp chiến trường miền Nam, giữa miền Nam và miền Bắc và giữa 3 nước anh em trên bán đảo Đông Dương.

Các lực lượng chính trị và vũ trang nhân dân đều được tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo một cách bài bản, chặt chẽ, thống nhất bởi một Đảng cách mạng, chân chính, khoa học, tiêu biểu cho lợi ích, trí tuệ thông minh sáng tạo, đạo đức, lương tâm, khát vọng, bản lĩnh và ý chí sắt đá của toàn dân tộc. Nhờ vậy, trong suốt trường kỳ kháng chiến, sức mạnh của lòng yêu nước, của đoàn kết thống nhất dân tộc và sức mạnh của chiến tranh nhân dân không ngừng được nhân lên từ các phong trào thi đua sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đó là những phong trào ở miền Nam: “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một li không dời”, “Thi đua giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”...; các phong trào ở miền Bắc: “Ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Hai tốt”, “Làm nghìn việc tốt”; “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”... Cùng với thời gian, quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng, còn kẻ địch càng đánh càng bị cô lập, phân hóa và sa lầy.

Đến cuối năm 1974 đầu năm 1975, chớp thời cơ chiến lược, Đảng ta chủ trương tiến hành cuộc động viên tổng lực trong cả nước ở mức cao nhất cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thu giang sơn về một mối. Thực hiện quyết tâm của Đảng, cả dân tộc dốc sức, dồn lực ra quân thực hiện tổng tiến công và nổi dậy trong mùa xuân 1975 lịch sử. Mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đến là chiến dịch Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh toàn thắng. Qua 55 ngày đêm, hơn 1 triệu quân ngụy và bộ máy ngụy quyền bị đập tan, chế độ thực dân mới được đế quốc Mỹ xây dựng qua 5 đời tổng thống hoàn toàn sụp đổ.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến được dồn lại cho thời khắc lịch sử vinh quang. Dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc thời đại Hồ Chí Minh(7).

GIỮ VỮNG VÀ KHÔNG NGỪNG PHÁT HUY CÁC THÀNH QUẢ, BÀI HỌC TỪ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975

Trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là động lực to lớn, chủ yếu và luôn là bài học có tính thời sự với cách mạng Việt Nam. Mấy tháng qua, trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, với việc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân “chống dịch như chống giặc” chúng ta lại thấy sức sống mạnh mẽ của tinh thần khí thế “mùa Xuân năm 1975”.

Đại đoàn kết toàn dân tộc được xem là một trong những bài học hàng đầu bởi đó vừa là mục tiêu, nhiệm vụ vừa là phương thức và là động lực chủ yếu làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam.

Bài học đại đoàn kết toàn dân tộc có nhiều nội dung, chiều cạnh phong phú, đa dạng. Nhưng cốt lõi và chiều sâu của bài học lịch sử này là sự kiên định, sáng tạo trong thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bởi đây chính là nhu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ bao trùm, xuyên suốt, nhất quán có tính sống còn của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, trong đó sức mạnh dân tộc - sức mạnh nội lực vẫn phải là chủ yếu.

Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không vì thế mà xem nhẹ việc học tập, giáo dục, nghiên cứu lịch sử dân tộc, trong đó có lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những thế hệ học sinh, sinh viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sinh ra sau năm 1975, được học tập trong điều kiện đất nước hòa bình và học tập từ nhiều nước với các chế độ chính trị khác nhau.

Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, kiên quyết phê phán, xử lý, trừng trị kịp thời, nghiêm minh đối với những hành vi xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Kinh nghiệm cho thấy, đại đoàn kết toàn dân tộc chỉ có thể được phát huy, tăng cường mạnh mẽ khi được tổ chức và lãnh đạo một cách đúng đắn, bài bản, khoa học bởi một Đảng trong sạch, vững mạnh, gương mẫu thực hành dân chủ và luôn biết giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị hành động vì dân, vì nước, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì sẽ quy tụ được lòng dân, phát huy được nguồn lực, sức mạnh và tiềm năng sáng tạo vĩ đại của toàn dân tộc để sẵn sàng đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn thử thách, kể cả những thử thách ngặt nghèo./.
_____________

(1) (7) Hồ Khang: Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/suc-manh-dai-doan-ket-dan-toc-trong-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-120927.
(2) Ban Chỉ dạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2000, tr.167-168.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.21, tr.512.
(4) Lê Văn Thắng - Nguyễn Văn Tuân (Đồng chủ biên): Tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong lịch sử Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2018, tr.223.
(5) Lê Quý Trịnh: Từ đại thắng mùa xuân năm 1975 suy nghĩ về trách nhiệm, http://www.vnq.edu.vn/tap-chi/nghien-cuu-trao-doi/539-t-i-thng-mua-xuan-nm-1975-suy-ngh-v-trach-nhim.html.
(6) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa xuân năm 1975 - sự toàn thắng của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (trong sách: Đảng Cộng sản Việt Nam 80 năm xây dựng và phát triển), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2010, tr.342.

TS. Nguyễn Anh Tuấn
ThS. Phạm Tố Uyên

Nguồn: http://www.tuyengiao.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay1,974
  • Tháng hiện tại80,570
  • Tổng lượt truy cập3,100,506
Văn bản mới

341-CV/ĐTN

Công văn số: 341 - V/v định hướng công tác tuyên truyền miệng tháng 12/2024

lượt xem: 56 | lượt tải:73

145-KH/ĐTN

Kế hoạch số: 145 - Kế hoạch tổ chức Chương trình “Xuân tình nguyện” chào đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

lượt xem: 442 | lượt tải:223

143-KH/ĐTN

Kế hoạch số: 143 - Tổ chức hoạt động “Ngày hội hiến máu tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” đợt 2 năm 2024 chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2030

lượt xem: 272 | lượt tải:167

142-KH/ĐTN

Kế hoạch số: 142 - Tổ chức Ngày hội trò chơi dân gian chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày thành lập Đoàn Khối cơ quan Dân Chính Đảng thành phố Cần Thơ (20/11/1987 – 20/11/2024)

lượt xem: 326 | lượt tải:315

324-CV/ĐTN

Công văn số: 324 - V/v triển khai thực hiện Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị

lượt xem: 102 | lượt tải:88
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây