Càng đến gần Đại hội XIII của Đảng, “các nhà yêu nước rởm”, “dân chủ cuội” lại càng “ra rả” những luận điệu nói xấu Đảng, nói xấu chế độ thông qua các blog cá nhân, mạng xã hội; đặc biệt là những phát ngôn trên một số phương tiện truyền thông hải ngoại vốn thiếu thiện chí với Việt Nam. Những cái tên như: Phạm Trần, Trương Nhân Tuấn, Nguyễn Thị Cỏ May, Mẹ Nấm, Hồ Phú Bông, Ngọc Đá, Nguyễn Dân, Đỗ Ngà, Tưởng Năng Tiến,v.v.. không ngớt “rêu rao” nhân danh dân chủ, yêu nước thương nòi, nhưng thực chất là “dân chủ giả danh”, “yêu nước rởm” để chống Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc và phủ nhận những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng; phủ nhận kết quả về phòng và chống 27 biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng, âm mưu của những nhóm người hoặc cá nhân đó không có gì lạ, cũng không mới vì nó vốn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Trong những bài viết hoặc phát ngôn của họ, có chăng chỉ là mượn một vài sự kiện trong lịch sử, một vài hiện tượng xảy ra trong xã hội, nhưng không có sự phân tích khoa học, không đặt từng sự kiện, hiện tượng trong mối quan hệ tổng thể, mà chỉ là “đục nước béo cò” dẫn dụ và viết lên những suy nghĩ phiến diện bằng giọng điệu phản động để nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam. Thậm chí họ chỉ cần một sự kiện còn hạn chế trong công tác quản lý, thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội, một sự kiện bổ nhiệm một cán bộ nào đó “gây bức xúc trong dư luận”, một vài biểu hiện suy thoái “chạy chức, chạy quyền” của một bộ phận cán bộ, đảng viên… là đã vội vàng quy kết, nói xấu và phủ nhận toàn bộ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng; phủ nhận toàn bộ kết quả của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng và thường xuyên thực hiện; phủ nhận những kết quả đạt được trong công tác cán bộ; công tác phòng và đấu tranh chống tham ô, tham nhũng… của Đảng ta.
KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Trong hơn 90 năm qua, kể từ khi ra đời và gắn bó cùng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam với “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” đề ra trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành lại độc lập tự do, tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước trong hòa bình. Trên những chặng đường cách mạng gian lao, thử thách song đầy vinh quang ấy, đặc biệt là những thời khắc cam go của lịch sử dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những quyết định đúng đắn, vượt lên hoàn cảnh để biến những thách thức, cam go thành thời cơ thuận lợi, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi qua thác ghềnh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Những thành tựu mà Đảng và nhân dân Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng về kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo cho nguồn lực con người…; những thành tích mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đạt được trong phòng và chống đại dịch Covid-19 (vừa qua và đang kiểm soát tốt) là những minh chứng sống động cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc, xứng đáng với vị thế duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam như Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân dân Việt Nam vẫn luôn đặt trọn niềm tin vào Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng (chứ không phải là “lực lượng cai trị đất nước” như “đơm đặt” của một số phần từ bất mãn, phản động), nhân dân Việt Nam vẫn vững bước vượt lên mọi khó khăn, thách thức để thực hiện được mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, khẳng vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.
Dù những “nhà giả danh yêu nước”, chống cộng, chống Đảng (như Ngọc Đá) có nói và viết gì thì họ và những người cùng một giọng điệu cũng không thể xuyên tạc, bôi nhọ hay vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam. Hầu hết đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng là những người yêu nước, được rèn luyện và luôn phấn đấu về mọi mặt để được đứng vào hàng ngũ những người đảng viên cộng sản. Học để có tri thức, có văn hóa, xứng đáng với vai trò tiền phong thì không phải là kết quả một sớm một chiều, mà đó là học tập và phấn đấu suốt đời; là cán bộ, đảng viên thì càng phải nỗ lực học tập để làm giàu tri thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của mình. Là cán bộ, đảng viên thì phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là luôn thống nhất giữa nói và làm, nêu gương mẫu mực thực hiện Điều lệ Đảng, các nguyên tắc xây dựng Đảng, các quy định về những điều đảng viên không được làm… và đó cũng chính là những người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
“ĐẢNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TỔ CHỨC ĐỂ LÀM QUAN PHÁT TÀI”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(1) và “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”(2); trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn rèn luyện về mọi mặt để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(3)…
Vì thế, nhìn nhận thực trạng “Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích”, nguyên nhân, nguy cơ và tác hại của nó trong đời sống chính trị, trong công tác xây dựng Đảng và để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chống các biểu hiện tiêu cực, tham ô, tham nhũng…, trong những nhiệm kỳ gần đây Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng về kiểm soát quyền lực, ngăn chặn “Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích” trong công tác tổ chức - cán bộ.
Trong thực tế, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về "Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương" và Quy định số 205-QÐ/TW ngày 23/9/2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” cùng với việc chuẩn bị nhân sự, tổ chức thật tốt Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”… đã và đang được triển khai nghiêm túc, sâu rộng trong Đảng, trong cả hệ thống chính trị.
Việc những tổ chức, cá nhân suy thoái, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật bị xét xử, truy tố (như Tổng Công ty viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG), Vũ “Nhôm”...) liên quan đến một loạt sai phạm của một số cán bộ, đảng viên có chức quyền; nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ cao cấp đã bị xét xử và chịu những hình thức xử lý thích đáng, không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, tính kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh phòng và chống “Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích” trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ của Đảng, mà còn góp phần cảnh tỉnh, ngăn ngừa tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Có thể nói, chưa có nhiệm kỳ nào như nhiệm kỳ Đại hội XII mà Đảng lại ban hành nhiều nghị quyết, quy định, chỉ thị nhằm chấn chỉnh công tác tổ chức - cán bộ; kiểm tra, giám sát, phòng và chống tham nhũng, “Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích” để siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng như vậy. Điều đó cho thấy sự kiên quyết, kiên trì của Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong quyết tâm phòng và chống “Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích”, chứ không phải Đảng thấy mà không chống và “đã hết thuốc chữa” như Phạm Trần viết.
Trong thời gian qua, các cơ quan truyền thông của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thậm chí cả mạng xã hội cũng có những thông tin về các vụ việc “Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích” đã được các cơ quan chức năng phát hiện, tiến hành điều tra, xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Nó cho thấy cuộc đấu tranh phòng và chống tham ô, tham nhũng, “chạy chức”, “chạy quyền”, “Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích” ở Việt Nam đang tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm của dư luận và các tầng lớp nhân dân.
Ở đâu có quyền lực, ở đó có lợi ích và vì thế cũng sẽ có “Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích” tiêu cực. Trong bối cảnh hội nhập, thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, “Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích” cũng sẽ tiếp tục tác động đến quá trình hoạch định và thực thi chính sách ở tất cả các ngành, lĩnh vực, mọi quy mô, cấp độ, với các hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong giai đoạn trước, “Lợi ích nhóm"/"Nhóm lợi ích" hoạt động mạnh mẽ, thậm chí có lúc công khai thì hiện nay, với việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhiều “nhóm lợi ích” tiêu cực đã tan rã; trong đó, không ít thành viên của nhóm bị xử lý kỷ luật, truy tố trước pháp luật.
Nói thể để thấy, “Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích” tiêu cực là có thật. Cuộc đấu tranh để phòng, chống, ngăn chặn “Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích” bằng cơ chế kiểm soát quyền lực là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, đang được Đảng Cộng sản Việt Nam triển khai quyết liệt cũng là có thật. Nó cũng đồng thời cho thấy, đây là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ mà nhân dân Việt Nam đang kiên trì xây dựng. Trong đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam "là kiên quyết, kiên trì thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện, thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đồng thời cả Trung ương và cơ sở"...
Vì thế, kiểu nhìn tiểu tiết đánh giá toàn cục, nhìn một vài hiện tượng đơn lẻ trong Đảng để đánh giá bản chất Đảng Cộng sản Việt Nam chính là một thủ đoạn thâm độc, nhằm bôi đen, hạ uy tín của Đảng, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng và tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân. Những nhận định kiểu: "Lợi ích nhóm”/“Nhóm lợi ích” là "những tổ chức cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong đảng Cộng sản Việt Nam đã chia bè, kết phái để cướp cơm dân và bảo vệ độc quyền cai trị cho đảng"; được hình thành "từ dưới lên trên, từ trung ương xuống cơ sở và từ nhà nước vào doanh nhân, xí nghiệp"; "khối Doanh nghiệp nhà nước là ổ tham nhũng phá hoại đất nước và phản bội sức lao động của dân lớn nhất" mà "gần 10 năm qua" các cơ quan ban, ngành chức năng không sao vạch mặt, chỉ tên ra được của một số "anh hùng bàn phím" là hồ đồ và sai hoàn toàn.
XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN THỂ CHẾ ĐỂ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ
Mượn một câu chuyện vốn không chỉ xảy ra ở Việt Nam để công kích công tác cán bộ của Đảng, một số cá nhân (như Thảo Ngọc) đã xuyên tạc, “rêu rao” với những giọng điệu như: “Biến các cuộc bầu cử trở thành thị trường mua quan bán chức một cách trắng trợn”, "chức càng lớn thì giá càng cao…” chính là sự xuyên tạc, bôi đen đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên và của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tế, nhận thức sâu sắc rằng,“cán bộ là cái gốc của mọi công việc” vì “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(4), cho nên, ngay từ những ngày đầu của nền dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: Chính phủ là công bộc của dân! Trong các cơ quan công quyền; trong công tác cán bộ, cả người làm công tác cán bộ và việc lựa chọn cán bộ để bổ nhiệm cũng cần “phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các Ủy ban đó”(5).
Trong suốt 75 năm qua, những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh luôn được chú trọng thực hiện để phòng, chống và đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cả tư tưởng và hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức rõ: “Chạy chức, chạy quyền” là tham nhũng, là một nguy cơ và thách thức lớn đối với công tác cán bộ, cho nên đã, đang và sẽ chú trọng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Từ thực trạng đó và để phòng và chống nạn “chạy chức, chạy quyền”, thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt nguyên tắc mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải chú trọng thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng; phải thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát trong mọi mặt công tác. Trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao phó để mưu cầu lợi ích cá nhân cho mình, người thân, dòng họ và nhóm lợi ích; đều phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo đó, mỗi người, chức vụ càng cao càng phải thực hiện nghiêm các Quy định về nêu gương, nói đi đôi với làm; phải gương mẫu trong phòng và chống 27 biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng…
Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là phải “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”; phải thông qua Hiến pháp, hệ thống pháp luật và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát để phát huy sức mạnh kỷ luật Đảng, phát huy vai trò giám sát của nhân dân để tạo ra “chiếc phanh cơ chế”, “cái lồng kiểm soát” thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng, thì trong công tác cán bộ cũng còn không ít bất cập, hạn chế; trong đó có những kẽ hở để những người cơ hội "luồn lách chạy”. Một trong những liều "vắc xin đặc chủng" để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong nhiệm kỳ Đại hội XII và cho những nhiệm kỳ sau chính là yêu cầu “xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm”(6). Điều này cũng cho thấy, vấn đề chống “chạy chức, chạy quyền” đã được chú trọng thực hiện tương đối đồng bộ và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” của Bộ Chính trị được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23/9/2019, một lần nữa cho thấy công tác cán bộ đã được Đảng đặc biệt quan tâm, đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Nội dung Quy định này cũng đồng thời khẳng định chủ trương của Đảng về kiểm soát để phòng và chống sự tha hóa quyền lực được thấu triệt trên tinh thần mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và mọi quyền hạn đều phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.
Quyết tâm chính trị của Đảng được quán triệt, nghiêm túc triển khai bài bản gắn liền với sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong công tác cán bộ thời gian qua đã khẳng định tính hiệu quả, cần thiết của Quy định 205-QĐ/TW.
Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo nhân dân Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Đồng hành cùng dân tộc trên hành trình đi đến tương lai, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của nhân dân./.
_____________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.289.
2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.290.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.612.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.280.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.21.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII - Nghị quyết số 26 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, ngày 19/5/2018.
TS. Văn Thị Thanh Mai
TS. Đinh Quang Thành
Nguồn: http://www.tuyengiao.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn