Trong hoàn cảnh số lượng học viên cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy ngày càng tăng đồng nghĩa với việc thức ăn được cung cấp cho học viên ngày càng nhiều và các phụ phẩm từ thức ăn dư càng lớn. Trong khi đó, số lượng gia súc, gia cầm ít kèm theo đó là dịch tả lợn Châu Phi làm thiệt hại cho đàn gia súc Cơ sở không thể tái đàn và mua thêm nhưng thức ăn thừa càng dôi dư. Bên cạnh đó, nguồn cơm thừa chưa được sử dụng lại được trộn lẫn các loại thức ăn dư khác được xem chung là phế phẩm. Trước tình trạng lãng phí đó đã đặt ra câu hỏi lớn cho Ban Chấp hành Chi đoàn làm sao để giải quyết tình trạng vừa nêu trên? Vừa tận dụng được nguồn cơm thừa sạch, vừa tạo nguồn thu nhập kinh tế cho Chi đoàn, vừa khẳng định sức trẻ.
Được sự quan tâm, ủng hộ của Chi ủy, Lãnh đạo Cơ sở, vào tháng 10 năm 2018 Chi đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy quyết định thực hiện mô hình kinh tế “vòng tuần hoàn” nuôi cơm mẻ - dựa trên các yếu tố có sẵn, từ cơm dư thừa của học viên phục vụ lại thực phẩm cho học viên.
Các loại thức ăn dư như cá thịt, phụ phẩm thức ăn,… sẽ được phân loại riêng để làm thức ăn gia súc, gia cầm, cơm sạch còn dư thì được thu gom làm cơm mẻ bán lại cho bếp ăn học viên.
Do nguồn nguyên liệu làm cơm mẻ dồi dào, ban đầu chỉ đầu tư 02 xô chứa nhỏ còn nguồn cơm không phải bỏ ra chi phí để đầu tư. Số lượng học viên ngày càng tăng, vào tháng 9 năm 2019 để đảm bảo nguồn cơm mẻ cung cấp đủ, kịp thời cho bếp ăn học viên số lu và xô chứa đã lên con số 05. Chi đoàn bán với giá 5.000 đồng/kg cơm mẻ, trung bình mỗi tháng cung cấp cơm mẻ cho bếp ăn 240 kg cơm mẻ tương đương Chi đoàn thu về khoảng 1.200.000 đồng/tháng.
Thời gian nhập cơm mẻ được lên lịch trước và phân công đoàn viên thực hiện vệ sinh nơi nuôi cơm mẻ sạch sẽ, cung cấp cơm mẻ với 25 đoàn viên tham gia.
Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, trong thời gian tới Chi đoàn tăng cường số lượng vật chứa cơm mẻ và chất lượng cơm mẻ đạt độ chua khi số lượng học viên tăng nhu cầu của bếp ăn học viên tăng theo.
Tin, ảnh: Chi đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy TPCT